A. Nguyên liệu:
300 gr cá bống nhỏ (hoặc cá tép dầu, cá cơm nhỏ, cá rô đồng)
1 bó rau bí xanh
1/2 quả bầu non
10 gr tôm khô (1 thìa canh)
3 quả trứng
1 nắm lá mơ
Cà tự muối
Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, tương ớt, tương cà, tỏi
Dầu ăn hoặc mỡ lợn
Tráng miệng: Hoa quả theo mùa (dứa, xoài, ổi, dưa hấu...)
Đặc biệt, tổng chi phí cho bữa cơm này hết dưới 100.000 đồng (theo giá cả ở Hà Nội), phù hợp với kinh tế của nhiều gia đình.
B. Thực hiện:
Cơm chiều mùa hè thường khiến nhiều người nội trợ đau đầu bởi eo hẹp thời gian, thời tiết oi bức nên khó nghĩ món.
Nên chọn mua thức ăn theo ‘mùa nào thức ấy’ giá thành vừa rẻ lại vừa ngon, đảm bảo dưỡng chất. Trong mỗi bữa ăn thường chia ra món chính (thịt hoặc cá), món rau (rau xào hoặc rau luộc), món canh, món rán (bổ sung nếu món chính ít và đa dạng món), món phụ trợ số lượng ít, kích thích vị giác (mùa hè có dưa, cà, sung muối) và cuối cùng là tráng miệng (chọn hoa quả theo mùa hè đang vào vụ ngon ngọt, rẻ hơn). Nên làm song hành thời gian (trong lúc sơ chế rửa rau thì rán cá, ngâm và ninh tôm khô).
1. Cá bống nhỏ chiên giòn với lá lốt: Mùa hè, các loại cá sông cá mương nhỏ vào vụ nên sinh trưởng và phát triển nhanh tự nhiên ở nhiều vùng (cá bống nhỏ, cá tép dầu, cá rô đồng, cá cơm, cá lành canh...). Ở các chợ truyền thống, giá thành các loại cá này cũng rất rẻ lại tươi rói, được nhiều người yêu thích. Món phổ biến, đơn giản nhất là đem rán vàng giòn chấm mắm tỏi ớt.
Cách làm:
Cá bống khi mua nhờ người bán hàng sơ chế luôn, về nhà rửa sạch, thấm khô. Lá lốt rửa sạch, thấm khô rồi áp chảo qua cho se mặt, thái rối để khi chiên không bị bắn dầu.
Cá rán 2 lần lửa sẽ vàng ruộm, giòn tan mà không cần bột chiên giòn mất đi vị ngon tự nhiên. Lửa 1: Đun chảo nóng từ từ rồi cho dầu ăn vào, thử độ nóng đã đạt chưa bằng cách cho đầu đũa vào thấy sủi tăm mạnh nhanh là đạt. Dùng mỡ lợn rán sẽ thơm ngon hơn dầu ăn. Cho phần lá lốt vào đảo nhanh rồi gắp ra. Chia cá thành từng mẻ nhỏ rồi cho vào, xếp chừa các khoảng cách để khi rán cá không bị dính vào nhau. Đợi cho cá mặt dưới vàng lắc nhẹ và trở mặt chiên mặt còn lại. Lửa 2: Tăng nhiệt để giúp thoát dầu, cho cá vào rán vàng ruộm, giòn tan, ăn không bị ngấy mỡ.
Bày cá xen kẽ lá lốt chiên ra đĩa, bên cạnh lá lốt tươi hoặc lá mơ lông tam thể và nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Cá vàng ruộm, ăn được cả xương kết hợp vị bùi thơm từ lá lốt, mơ lông, chút tê cay từ mắm ớt kích thích vị giác.
2. Rau bí xào tỏi: Theo nhiều nghiên cứu, rau bí giàu chất xơ và chất chống oxy hóa, kháng viêm, vitamin, canxi... vì thế giúp nhuận tràng, kiểm soát tiểu đường, tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp xương chắc khỏe, cải thiện hệ miễn dịch.
Cách làm:
Rau bí khi mua ở các hàng quen nhờ nhặt trước sẽ giúp tiết kiệm thời gian khi nấu. Khi về, tách phần lá và cuống riêng rửa sạch. Sau đó, vò nhẹ phần lá để khi ăn không bị nhám.
Tỏi là gia vị làm dậy mùi thơm đặc trưng cho món ăn. Bóc vỏ tỏi, đập dập cho ra tinh dầu thơm.
Đun sôi nồi nước, thêm chút muối rồi cho rau bí vào chần ở lửa to, vớt ra ngâm vào thau nước lạnh cho rau xanh giòn, vớt ra để ráo nước.
Đun nóng mỡ lợn, phi thơm tỏi, trút rau bí vào xào trên lửa lớn. Nêm gia vị (mắm, hạt nêm) cho vừa miệng, đảo nhanh tay cho gia vị bám đều các mặt là được.
Một đĩa rau bí xào nóng hổi, dậy mùi thơm của tỏi, từng cuộng rau bí xanh giòn, mướt mềm không gì ngon bằng.
3. Canh bầu nấu tôm khô: Theo Đông y, bầu vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận phổi, trừ ngứa, trị ho... Vào mùa hè, một bát canh bầu nấu tôm thanh mát giúp bữa ăn trở nên ngon miệng hơn.
Cách làm:
Bầu gọt vỏ, rửa sạch rồi tùy theo sở thích có 3 cách sau: Băm dọc rồi thái sợi nhỏ, nạo sợi hoặc cắt lát vừa ăn.
Tôm khô rửa sạch, ngâm nước ấm cho nở. Đun sôi lượng nước vừa ăn, cho tôm cùng nước đã ngâm vào ninh 10 - 15 phút cho tôm mềm và ngọt nước. Chú ý cho tôm vào khi nước nóng già để không bị tanh. Nêm nếm mắm, muối, hạt nêm cho vừa miệng.
Cho bầu vào nồi nước dùng, nhấn chìm xuống, hớt bỏ bọt. Vì bầu nhanh chín nên khi nước sôi lại tắt bếp, múc ra thưởng thức. Tùy theo khẩu vị mà cho hành lá hoặc không.
Một bát canh bầu chín tới, giữ màu xanh, nước canh trong ngọt tự nhiên, tôm mềm giúp kích thích vị giác, lại dễ ăn với trẻ con và người già.
4. Trứng rán lá mơ: Theo Đông y, lá mơ tam thể giúp giải nhiệt, nhuận tràng, kháng viêm. Món trứng rán lá mơ từ xưa là bài thuốc quý chữa kiết lỵ, đau dạ dày rất tốt.
Cách làm:
Nên chọn lá mơ tam thể còn non, lông trắng li ti, vừa phải món ăn sẽ mềm ngon, dậy mùi còn lá mơ to hoặc thô ráp khi nấu món ăn bị khô cứng. Nhặt bỏ cuống già, rửa sạch, vẩy ráo nước. Thái nhỏ lá mơ hoặc ở một số nơi cho lá mơ vào cối giã nát.
Cho phần lá mơ thái nhỏ vào âu to, đập trứng vào, nêm chút gia vị rồi khuấy đều. Nếu muốn món ăn mềm xốp hơn thêm chút nước ấm khi đánh trứng và lá mơ.
Rán trứng: Theo cách xưa cho hỗn hợp trứng lá mơ dàn đều trên lá chuối gói lại mấy lớp rồi nướng trên bếp than hoặc chảo gang. Nếu không có lá chuối, chiên với chút dầu ăn cũng ngon.
5. Cà muối: Dưa, cà hay sung muối nên làm vào cuối tuần rồi rồi hãm chua bằng cách cho vào ngăn mát tủ lạnh, mỗi lần ăn gắp ra một bát nho nhỏ để đẩy đưa vị giác, không nên ăn nhiều.
Cách làm:
Cà pháo phơi héo sơ một nắng, cắt cuống, rửa sạch. Hòa tan nước vo gạo (hoặc nước) với muối hạt để ngâm cà cho đỡ bị thâm và ra bớt độc tố.
Riềng, ớt bỏ hạt, băm hoặc giã nhuyễn. Cho nước mắm, đường, dấm tỷ lệ 1:1:1 (hoặc gia giảm theo khẩu vị) vào nồi, bắc lên bếp, thêm 1/2 thìa canh muối hạt khuấy đều, đun sôi, tắt bếp, để nguội hoàn toàn.
Cà vớt ra khỏi nước ngâm, rửa sạch mấy lần với nước, rồi tráng qua chút giấm giúp cà để được lâu. Cho cà vào lọ thủy tinh (đã rửa sạch, để khô), đổ hỗn hợp nước mắm chua ngọt vào ngập. Đặt vỉ nén lên trên để nén cà xuống, đậy nắp. Để lọ cà ở nơi thoáng mát nửa ngày cho ngấm gia vị sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh, cà sẽ giòn, đậm đà vị rất ngon và dùng được lâu.
f. Tráng miệng: Hoa quả theo mùa (dứa, xoài, ổi, dưa hấu, dưa gang, dưa lê) đang vào mùa hè rẻ và ngon ngọt.
Life Style Việt - https://lifestyleviet.vn/. All Right Reserved
Email : mediavietnam9999@gmail.com