Vị này cũng cho rằng, thị trường bất động sản cần gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến khách hàng mới khơi thông được thanh khoản. Ngoài ra cần có chính sách để các doanh nghiệp hiện đang tồn tại phát triển bền vững, bởi đây là những doanh nghiệp có năng lực. Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh.
Theo ông Lâm, trước đây có gói 30.000 tỉ đồng đã ngay lập tức tạo hiệu ứng cho thị trường bất động sản. Với mức lãi suất thấp nên khi đó gói này đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội, lan tỏa giúp thị trường hồi phục nhanh chóng.
Còn với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện vẫn chưa “ăn thua” vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm. Chính vì vậy, ông Lâm cho rằng, cần giảm lãi suất về mức 5%-6% như trước để người mua nhà ở thực có thể tiếp cận và thu hút khách hàng, nhà đầu tư sớm tham gia thị trường.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho hay, gần đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động nhưng không đáng kể, chủ yếu là những ngân hàng lớn, còn ngân hàng nhỏ chưa giảm bởi nhiều vấn đề như e ngại nợ xấu, khát vốn...Còn lãi suất cho vay thì hầu như đứng im.
Muốn lãi suất cho vay giảm thì lãi suất huy động phải giảm ít nhất 1%, bởi các ngân hàng luôn có biên độ giữa chi phí vốn và lãi suất cho vay. Do đó, lãi suất cho vay giảm chỉ khi NHNN phải bơm một lượng tiền lớn vào lưu thông qua hệ thống liên ngân hàng để các ngân hàng có tiền, dư thanh khoản mới có thể hạ lãi suất huy động xuống.
Vị chuyên gia này cho rằng, chưa thể chắc chắn được thời điểm nào lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh . Nhưng nếu giảm được, lãi suất cho vay sẽ giảm rất nhanh và không có độ trễ. Trước đây, độ trễ của việc giảm lãi suất cho vay so với lãi suất huy động khoảng 2 - 3 tháng. Nhưng tại thời điểm này thì có thể trong vòng 1 tháng là kéo được mặt bằng lãi suất cho vay, nếu hạ được lãi suất huy động .
Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc đều bày tỏ quan điểm Ngân hàng Nhà nước cần sớm giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu mua bán bất động sản. Đây là thời điểm thích hợp để người dân sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Trước hết cần khuyến khích những dự án nhỏ, từ sự chuyển đổi cấp vi mô đến chuyển biến ở các dự án lớn hơn, từng bước phục hồi lĩnh vực xây dựng, mua bán bất động sản.
Gần đây, lãi suất điều hành đồng loạt hạ nhiệt là tín hiệu tích cực giúp thị trường bất động sản có thêm cơ hội để sớm hồi phục.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, khi lãi suất điều hành giảm thì lãi suất vay cũng sẽ giảm. Điều này sẽ có ba tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua.
Cụ thể, áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Từ đó có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động snar. Đồng thời, chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới. Kết quả là nguồn cung mới sẽ được bổ sung cho thị trường.
Ngoài ra, nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn. Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua bất động sản. Do vậy, khi lãi suất vay vốn giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản của khách hàng.
Có thể thấy, mặt bằng lãi suất giảm sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản ấm hơn khi tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn với vay tín dụng. Hơn hết là góp phần tạo tâm lý tích cực cho thị trường, giúp nhà đầu tư khôi phục niềm tin. Giới chuyên gia dự đoán, nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm cùng với việc Chính phủ có thêm những động thái hỗ trợ và các doanh nghiệp chủ động “cứu mình”, thị trường này sẽ có khả năng khởi sắc từ cuối năm 2023.
Life Style Việt - https://lifestyleviet.vn/. All Right Reserved
Email : mediavietnam9999@gmail.com